Hỗ trợ trực tuyến

 

Tokenomics là gì? Tokenomics có vai trò gì với các đồng coin?

Tokenomics là gì? Tokenomics bao gồm những gì và đóng vai trò như thế nào trong việc quyết định đầu tư vào dự án Crypto?

 

Trong bài phân tích và research ngày hôm nay, mình sẽ giúp anh em hiểu tường tận nhất về Tokenomics và giải đáp những câu hỏi phía dưới đây:

Tokenomics là gì và một số phân loại của chúng.

Tokenomics có vai trò như thế nào trong thị trường crypto nói chung và DeFi nói riêng?

Góc nhìn và phương thức đánh giá Tokenomics.

Những “cấu tạo” bên trong Tokenomics hoàn chỉnh.

Vai trò của Tokenomics đến hiệu suất hoạt động của dự án.

Case study của Tokenomics hiệu quả và Tokenomics chưa hiệu quả.

 

 Anh em đăng kí TOP sàn giao dịch tiền điện tử, sàn Coin lớn nhất trên thế giới, top crypto exchange ... và sàn đang Hot tại đây để được hưởng khuyến mãi phí giao dịch nhé:

 Binance  |  Coinbase  |  Bybit  |  Huobi  |  FTX  |  ...  |  Remitano  |  5ROI

 

 

Tokenomics là gì?

 

Tokenomics là thuật ngữ được ghép từ hai từ Token (Tiền mã hóa) và Economics (Kinh tế học). Chính vì thế, Tokenomics có thể xem là nền kinh tế của tiền mã hóa, cách chúng được xây dựng và áp dụng vào mô hình hoạt động của dự án đó. 

 

Tokenomics — là chủ đề tìm hiểu các đặc điểm cung và cầu của tiền điện tử. 

 


Tokenomics là quá trình nghiên cứu về cách thức hoạt động của một đồng tiền điện tử trong một hệ sinh thái rộng lớn hơn, bao gồm những thứ như phân phối token cũng như cách chúng có thể được sử dụng để khuyến khích hành vi tích cực trong mạng lưới.

  

Tại sao Tokenomics quan trọng?

 

Đọc đến đây có lẽ anh em sẽ thấy khá nhàm chán. Token cũng chỉ là một tài sản được giao dịch trên sàn. Vậy thì tokenomics có gì đặc biệt chứ? Trước khi trả lời câu hỏi này, anh em hãy cùng mình trải qua một quiz nhỏ để tăng kịch tính nhé!

 

Anh em hãy nhìn vào ảnh phía dưới đây và tưởng tượng thị trường crypto như một ván bài có nhiều bên tham gia, trong đó sẽ có:

 

Developer: Andre Cronje, Vitalik Buterin,...?

Market Maker: CZ Binance, Sam FTX,...?

Quỹ đầu tư lớn: a16z, Multicoin, ParaFi,...?

Nhà đầu tư nhỏ lẻ: Đa số anh em (trong đó có mình).

 

Vậy ai là những người ngồi gần bàn cờ nhất, ai là những người điều khiển ván game? Nhìn vào ảnh phía trên anh em sẽ thấy, ngay cả Justin Sun còn không thể tiếp cận ván bài, thì chắc những nhà đầu tư nhỏ lẻ là những người đang đứng ngoài sòng bạc nghe ngóng kết quả ván bài.

 

 

Ai  là người điều khiển ván bài crypto?

 

Thực tế đúng là như vậy, chúng ta đang chơi một cuộc chơi được tạo ra bởi những Market Maker, những Builder/Developer và những quỹ đầu tư lớn. Từ trend ICO, IEO, IDO cho đến NFT, GameFi trên các hệ sinh thái.

 

Vậy họ sẽ điều kiển cuộc chơi qua nhân tố nào? Đó chính là token, là thứ mà anh em mua bán và đặt niềm tin vào nó. Nhưng token lại là thứ được xây dựng bởi những developer, builder, market maker sừng sỏ. Trong ngắn hạn, thị trường crypto là Zero-sum game, tất cả đều muốn kiếm tiền, vậy ai sẽ là người mất?

 

Nếu như muốn kiếm tiền và hiểu được Market Maker đang làm gì, anh em cần hiểu được sự vận hành của Token, hay nói cách khác, đó chính là TOKENOMICS.

 

Chúng ta sẽ cùng tiếp tục tìm hiểu về cách những ông trùm vận hành Tokenomics!

 

 

Yếu tố tạo nên một Token và Tokenomics

 

Phần này là phần khá dài, tuy nhiên nó sẽ có liên kết và bổ trợ những Insights hữu ích cho những phần sau, anh em đừng bỏ lỡ nhé. Trước khi đi sâu vào phân tích ứng dụng và giá trị của token đối với dự án, mình sẽ cùng anh em đi từ cơ bản đến chuyên sâu, trong đó sẽ có:

 

Coin/Token Supply

 

Trước đây, Total Supply và Circulating Supply là hai khái niệm được sử dụng thường xuyên. Tuy nhiên, cả Coingecko và CoinMarketCap đã bổ sung thêm khái niệm mới là Max Supply - đây là khái niệm dễ bị nhầm lẫn với Total Supply.

 

Mình sẽ giải thích chi tiết 3 khái niệm của Token Supply và đưa ra ví dụ minh họa giúp anh em dễ hiểu hơn trong phần này.

 

 

Các thông số cơ bản của một coin/token.

 

1. Total Supply (Tổng cung) được định nghĩa là tổng số lượng coin/token đang lưu thông và đang bị khóa trừ đi số lượng coin/token đã bị burn. Ban đầu, Total Supply sẽ là con số được thiết kế bởi đội ngũ phát triển dự án sao cho phù hợp với mô hình vận hành nhất.

 

Chi tiết hơn, Total Supply sẽ có những dạng sau:

 

- Tổng cung cố định là số lượng coin/token được định sẵn ban đầu và không thể thay đổi. Ví dụ: Tổng cung của Bitcoin là 21 triệu BTC, Tổng cung của Uniswap là 1 tỷ UNI,...

- Tổng cung không cố định là số lượng coin/token có thể thay đổi tùy thuộc vào hoạt động của dự án, và được chia thành các nhóm sau:

  + Tổng cung tăng dần do được mining ra thêm. Ví dụ: Số ETH trên thị trường sẽ phụ thuộc vào hiệu suất hoạt động của mạng lưới Ethereum, CAKE sẽ được mint khi người dùng Farm trên Pancakeswap,...

  + Tổng cung giảm dần do bị burn. Ví dụ: Binance Coin có tổng cung ban đầu là 200 triệu BNB và được burn dần còn 100 triệu BNB,...

  + Tổng cung thay đổi liên tục do cơ chế Issue-Burn. Ví dụ: Chủ yếu là các Stablecoin như Algorithmic Stablecoin (FEI, AMPL,...), Crypto-backed Stablecoin (DAI, VAI,...), Centralized Stablecoin (USDT, USDC,...).

 

2. Circulating Supply (Cung lưu thông) là khái niệm đề cập đến số lượng token đang được lưu thông trên thị trường.

 

3. Max Supply (Cung tối đa) sẽ xác định lượng số lượng token tối đa sẽ tồn tại, bao gồm cả những token sẽ được khai thác hoặc có sẵn trong tương lai.

 

4. Đọc vị Token Supply

 

 

Đọc vị Token Supply với 3 token/coin khác nhau.

 

Phía trên là thông số Token Supply của 3 coin/token khác nhau:

 

ETH: Ethereum là token không có tổng cung (No Max Supply) và sẽ được mint ra thêm khi có nhu cầu sử dụng của mạng lưới. Sau khi được mint, ETH sẽ được lưu thông mà và không bị khóa bởi tổ chức nào (Circulating Supply = Total Supply).

 

SRM: Serum được thiết kế với số lượng lớn nhất là 10 tỷ SRM (Max Supply). Ở thời điểm hiện tại, số SRM có thể đạt cao nhất là 161 triệu SRM (Total Supply), tuy nhiên số lượng lưu hành thực tế chỉ có 50 triệu SRM (Circulating Supply).

 

NEAR: Token Supply của Near Protocol là loại cơ bản nhất và thường gặp nhất. Tổng cung và Số lượng token được thiết kế ban đầu sẽ bằng nhau (Max Supply = Total Supply), được mở khóa dần cho đến khi đạt 1 tỷ NEAR (Circulating Supply).

 

Market Cap & Fully Diluted Valuation

 

 Đọc vị Market Cap và FDV của một token/coin.

 

Market Cap là vốn hóa của dự án với số lượng token lưu thông trong thị trường tại thời điểm đó. Từ Circulating Supply, chúng ta sẽ tính ra được Market Cap.

 

Market Cap = Circulating Supply * Token Price

 

Fully Diluted Valuation (FDV) là vốn hóa của dự án nhưng được tính với tổng số lượng token đang lưu thông và cả chưa được unlock của dự án. Từ Total Supply, chúng ta sẽ tính ra được FDV.

 

FDV = Total Supply * Token Price

 

Tại sao vốn hóa ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng hơn giá?

 

Hiện tại, giá của token phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, ngoài Fundamental Analysis (Phân tích cơ bản) thì còn phụ thuộc vào Tổng cung ban đầu của token. Ví dụ một dự án với token A có Market Cap là $10,000,000:

 

Nếu dự án phát hành 10,000,000 A token ⇒ Mỗi A token = $1.

Nếu dự án phát hành 10,000,000,000 A token ⇒ Mỗi A token = $0.001.

 

Số lượng token được phát hành có thể dao động chục nghìn đến vài tỷ token tuy nhiên vốn hóa mới là yếu tố quan trọng tác động đến khả năng tăng trưởng của token.

 

Ví dụ: Đặt trường hợp Aave và Compound là hai dự án có tiềm năng về phân tích cơ bản ngang nhau trong lĩnh vực Lending. Chính vì thế, Compound có thể đạt tới Market Cap của Aave.

 

Xét về giá, mỗi COMP có giá cao hơn AAVE, nhưng COMP lại có tiềm năng tăng trưởng cao hơn vì Compound chưa đạt mức “trần”. Nếu như Compound đạt Market Cap như Aave, mỗi COMP có thể đạt $735.

 

 

Lầm tưởng về giá và market cap.

 

Token Governance

 

Hiện tại trên thị trường có khoảng 10,000 coin và token. Tuy nhiên không phải bất cứ token nào cũng theo cơ chế Decentralized như Bitcoin, sẽ có những token/coin được quản trị theo cơ chế Centralized. Mình sẽ phân ra 3 loại cơ bản:

 

 

Token Governance của của một số coin trên thị trường.

 

Decentralized (Token Phi tập trung) là những coin/token có cơ chế quản trị hoàn toàn do cộng đồng quyết định và không bị áp lực quản trị bởi bất kỳ tổ chức nào. Ví dụ: Bitcoin, Ethereum,...

 

Centralized (Token Tập trung) là những coin/token có cơ chế quản trị do một tổ chức đứng đầu quyết định, họ có quyền tác động lên tính chất của coin hoặc dự án mà token đó đại diện cho. Thường đây là những dự án Full-backed stablecoin như Tether, TrueUSD; các token của sàn giao dịch như Huobi, FTX, hoặc các dự án có mô hình quản trị Centralized như Ripple,...

 

Từ Centralized đến Decentralized: Ngoài ra cũng có những coin/token được xây dựng với cơ chế quản trị ban đầu là Centralized, sau đó được phân quyền dần cho cộng đồng.

 

Ví dụ: Binance Coin ban đầu được quản trị hoàn toàn bởi Binance. Tuy nhiên sau một thời gian ra mắt Binance Smart Chain và chương trình “Validator Spotlight”, Binance đã dần phi tập trung hóa mạng lưới BSC và BNB token cho người dùng kiểm soát.

 

Token Allocation

 

Trước khi đầu tư vào một token, Token Allocation sẽ giúp anh em biết được tỷ lệ phân bổ token giữa các nhóm Stakeholder (nhóm có liên quan) có hợp lý hay chưa, cũng như sự tác động của chúng đến tổng quan dự án.

 

 

Token allocation của một số coin/token trên thị trường.

 

1. Team

 

Đây là phần token dành cho đội ngũ phát triển dự án. Trong đây sẽ bao gồm lượng token của những thành viên đóng góp giá trị cho dự án như founder, developer, marketer, advisor,... Con số lý tưởng nhất thường là khoảng 20% tổng cung.

 

Nếu tỷ lệ này quá thấp, đội ngũ dự án sẽ không có động lực để phát triển dự án lâu dài.

Nếu tỷ lệ này quá cao, cộng đồng sẽ không có động lực hold token của dự án đó, vì token đang bị chi phối quá nhiều bởi một thực thể. Điều này gây ra một số vấn đề như tập trung quyền lực, khả năng bị làm giá cao.

 

2. Foundation Reserve

 

Reserve là khoản dự trữ của dự án để phát triển sản phẩm hoặc các tính năng cho tương lai. Đây là khoản token không có quy định số lượng cụ thể, thông thường nó sẽ chiếm từ 20-40% tổng cung.

 

3. Liquidity Mining

 

Liquidity Mining là Allocation xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây, nhất là sau khi các dự án DeFi phát triển mạnh mẽ từ hồi tháng 9/2020 cho đến nay. Liquidity Mining chính là khoản token được mint ra như phần thưởng cho những người dùng cung cấp thanh khoản cho các giao thức DeFi.

 

4. Seed / Private / Public sale

 

Đây là số lượng token dành cho các đợt mở bán huy động vốn để phát triển sản phẩm. Thông thường dự án sẽ có ba đợt mở bán là Seed sale, Private sale và Public sale (chi tiết trong mục Token Sale).

 

5. Airdrop / Retroactive

 

Để dự án thu hút được người dùng ban đầu, họ thường sẽ airdrop cho người dùng một phần rất nhỏ token allocation của dự án. Thông thường sẽ chiếm khoảng 1-2% tổng cung.

 

Khoảng năm 2019 trở về trước, để nhận được Airdrop, người dùng chỉ cần thực hiện vài thao tác đơn giản như Like, Follow, Retweet các post trên trang Twitter của họ.

 

Tuy nhiên từ năm 2020, các điều kiện để nhận Airdrop khó hơn khá nhiều, yêu cầu người dùng phải “skin in the game”, sử dụng sản phẩm để có thể nhận Airdrop hay Retroactive. Một số Retroactive điển hình có thể kể đến như Uniswap (UNI), 1Inch Network (1INCH),...

 

6. Other Allocation

 

Tùy theo mỗi dự án mà họ sẽ có một phần Allocation dành cho một trường hợp cụ thể, đó có thể là Marketing, Strategic Partnership,... Thông thường Allocation tỷ trọng nhỏ và có thể bao gồm trong Foundation Reserve.

 

Điểm khác biệt qua hai chu kỳ:

 

2017-2018: Public Sale chiếm hơn 50%, Insider chiếm ít. Ví dụ: ADA, ETH, XTZ, ATOM,...

2019 trở đi: Public Sale chiếm từ 20 - 30%, Insider chiếm tỷ trọng lớn nhất. Ví dụ: NEAR, AVAX, SOL,...

 

Trong đó:

 

Public Sale là lượng token được mở bán cho cộng đồng.

Insider bao gồm đội ngũ phát triển, các quỹ đầu tư,...

 

Điều này có thể giải thích vì trước đây, token của các dự án không được ứng dụng nhiều trong hệ sinh thái và họ cần có nguồn vốn để có thể phát triển dự án. Còn ở thời điểm hiện tại, thị trường đã có sự xuất hiện của quỹ đầu tư lớn và token được ứng dụng nhiều trong nền tảng. Chính vì thế Insider và Foundation sẽ chiếm lượng lớn token có trên thị trường.

 

 

Sự khác nhau vê token allocation của các coin/token được sáng lập trước 2018 và sau 2018. Nguồn: Messari.

 

Token Release

 

Token Release là kế hoạch phân phối token ra thị trường lưu thông của một dự án. Tương tự như Token Allocation, Token Release ảnh hưởng rất lớn đến giá của token cũng như động lực hold token của cộng đồng. Hiện tại trên thị trường có 2 kiểu phân bổ token:

 

1. Phân bổ token theo lịch trình định sẵn

 

Mỗi dự án khác nhau sẽ có token release schedule khác nhau, tuy nhiên mình có thể phân loại thành các quãng thời gian như sau:

 

 

Token release của một số token phổ biến trên thị trường.

 

Dưới 1 năm: Các dự án có tốc độ release 100% token dưới 1 năm thể hiện đội ngũ của dự án không đồng hành lâu dài với sản phẩm họ xây dựng, và không thể tạo ra nhiều giá trị cho nền tảng cũng như token đó.

 

Từ 3 - 5 năm: Đây là khoảng thời gian lý tưởng nhất để release 100% token, bởi vì thị trường crypto có tốc độ thay đổi rất nhanh. Kể từ khi được “Mainstream” vào năm 2017 cho đến nay, thị trường crypto cũng mới chỉ trải qua khoảng thời gian 5 năm.

 

Trong mỗi năm, thị trường đã chứng kiến sự đào thải của nhiều dự án không hiệu quả và sự ra mắt của nhiều dự án tiềm năng hơn. Chính vì thế 3 - 5 năm là con số lý tưởng nhất để thúc đẩy động lực phát triển của team, cũng như động lực hold token từ cộng đồng.

 

Trên 10 năm: Ngoại trừ Bitcoin, thì các dự án có token release schedule lên đến 10 năm sẽ khó tạo động lực cho holder, bởi vì họ chịu sự lạm phát của token lên đến 10 năm và không ai đảm bảo rằng đội ngũ sẽ hoạt động hiệu quả trong khoảng thời gian đó.

 

Như vậy, số lượng token release phải được thiết kế để có thể cân bằng giữa 2 yếu tố sau:

 

Quyền lợi của token holder khi hold token của nền tảng đó.

Giá trị của số token được release mỗi ngày (lạm phát).

 

Nếu như số lượng token bị release quá nhanh so với hiệu suất hoạt động của dự án, giá token sẽ có xu hướng giảm do người dùng không có động lực để nắm giữ token.

 

2. Phân bổ token theo hiệu suất và nhu cầu sử dụng

 

Để giải quyết vấn đề lạm phát xảy ra quá nhanh so với kế hoạch ban đầu. Một số dự án đã chọn release token theo một tiêu chí cụ thể chứ không theo thời gian định sẵn nữa. Đây là cơ chế khá hay vì nó sẽ giúp ổn định giá của token hơn nếu như được áp dụng một cách hợp lý.

 

Ví dụ: MakerDAO cũng không có thời gian bổ token cụ thể. Tùy vào nhu cầu sử dụng thực tế trên nền tảng mà số lượng MKR sẽ được phân bổ một cách hợp lý ⇒ Có hoạt động Lending hoặc Borrowing thì MKR token mới được release.

 

 

Token Sale

 

Token sale có thể xem là hình thức huy động vốn thông qua việc mở bán cổ phần tương tự các công ty trong thị trường truyền thống. Tuy nhiên, ở thị trường crypto, cổ phần sẽ được thay thế bằng token.

 

Nếu như các công ty truyền thống có khoảng 5 đợt gọi vốn, thì các dự án trong Crypto sẽ có khoảng 3 đợt mở bán token để gọi vốn. Thông thường giá trị định giá của công ty sẽ không cụ thể đối với từng ngành nghề, khu vực và quy mô. Tuy nhiên ở Series C, các công ty lớn mạnh hoàn toàn có thể định giá bản thân từ 100 triệu đô trở lên.

 

Traditional Company: Pre-seed, Seed, Series A, Series B, Series C.

Crypto Project: Seed Sale, Private Sale, Public Sale.

 

Đối với thị trường crypto, mức định giá trung bình sẽ thấp hơn vì đây là thị trường còn tương đối mới và có marketcap nhỏ hơn nhiều so với thị trường cổ phiếu của một số nước lớn.

 

 

Quá trình coin/token được mở bán từ Seed đến Public sale.

 

1. Seed sale

 

Seed sale là đợt mở bán token đầu tiên của dự án. Trong đợt mở bán này, đa số dự án đều chưa hoàn thiện sản phẩm. Có một số dự án mở bán token xem như hình thức gọi vốn để triển khai.

 

Các quỹ đầu tư vào Seed sale đa số là những quỹ đầu tư mạo hiểm, họ chấp nhận rủi ro cao nhưng cũng sẽ được phần thưởng xứng đáng nếu như dự án thành công.

 

2. Private sale

 

Nếu như Seed sale chủ yếu là những quỹ đầu tư mạo hiểm, thì Private sale sẽ có sự tham gia của nhiều quỹ đầu tư lớn và có tiếng hơn. Thông thường ở giai đoạn này, các dự án đã ra mắt sản phẩm và chứng minh được một phần thành tích của mình sau khi đã gọi vốn ở vòng Seed sale.

 

3. Public sale

 

Public sale là đợt mở bán token cho cộng đồng. Dự án có thể launch token dưới hình thức ICO như năm 2017, hoặc launch token nhờ vào những bên thứ ba dưới hình thức IEO hoặc IDO.

 

4. Fair token distribution

 

Tuy nhiên cũng có nhiều dự án không mở bán thông qua bất kỳ hình thức nào, mà sẽ được phân phối thông qua các hoạt động như Testnet, Airdrop, Staking, Liquidity Providing,... Điều này giúp dự án trở nên “bình đẳng” hơn đối với cộng đồng quan tâm và tiếp cận được người dùng nhiều hơn.

 

Một số Fairlaunch Project nổi bật có thể kể đến như: Uniswap (UNI), Sushiswap (SUSHI), Yearn Finance (YFI),... Họ không mở bán token dưới bất kỳ hình thức nào để raise fund trước mà sẽ phân phối token cho những người dùng thực sự của nền tảng.

 

Một số ưu & nhược điểm của cơ chế này:

 

Ưu điểm: Token được phân phối cho những người đóng góp giá trị cho dự án, giảm tình trạng “dump” sâu do người người mua Seed sale và Private sale “xả” token.

Nhược điểm: Dự án “bỏ lỡ” một phần vốn có thể gọi từ cộng đồng để phát triển dự án.

 

5. Tác động của Token Sale đến Tokenomics

 

Không có một quy định cụ thể hoặc mức chuẩn cho sự chênh lệch giá bán giữa các đợt token sale. Đối với một dự án giá Public sale có thể gấp đôi giá Private Sale, giá Private Sale có thể gấp đôi Seed Sale. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào dự án.

 

Tuy nhiên, họ sẽ giữ mức chênh lệch hợp lý. Bởi vì nếu như giá bán mỗi đợt có sự chênh lệch quá cao, những nhà đầu tư đến trước sẽ có xu hướng chốt lời sớm, ngược lại, những nhà đầu tư ở vòng sau sẽ không có động lực tham gia mở bán.

 

Chính vì thế, các dự án sẽ áp dụng thêm cơ chế release token để phân bổ quyền lợi hợp lý giữa các nhà đầu tư. Nếu như mức chênh lệch giá bán của mỗi đợt cao, những nhà đầu tư đến trước phải chịu thời gian lock lâu hơn. Ngược lại, những nhà đầu tư mua với giá cao hơn sẽ được unlock token sớm hơn.

 

Token Use case

 

Token Use Case là mục đích sử dụng của token, đây là yếu tố quan trọng nhất của một tokenomics giúp anh em có thể định giá một token trên thị trường, dựa trên quyền lợi mà token mang đến cho holder.

 

Chức năng của một số token/coin trên thị trường.

 

Thông thường Token sẽ có những chức năng sau:

 

1. Staking

 

Hiện tại đa số các dự án đều hỗ trợ Staking đối với các native token của mình. Điều này tạo động lực cho người dùng nắm giữ token vì được phân phối thêm token như phần lãi. Nếu như không có cơ chế Staking, token holder sẽ phải chịu sự lạm phát vì mỗi ngày đều có một số lượng token mới được mint ra cung lưu thông.

 

Ngoài ra, Staking cũng có thêm một lợi ích là giúp số lượng token lưu thông trên thị trường giảm đi, điều này làm giảm đi áp lực bán giúp giá dễ tăng trưởng hơn. Đối với các mạng lưới dùng cơ chế Proof-of-Stake, số lượng token được stake tăng lên cũng giúp mạng lưới trở nên phi tập trung hơn và an toàn hơn.

 

Ví dụ: Cardano (ADA) là tăng trưởng từ $0.2 lên $2 (tăng trưởng 1,000%) kể từ đầu năm 2021. Theo lý thuyết, để tăng trưởng được như thế, lượng vốn hóa đổ vào Cardano phải gấp 10 lần.

 

Tuy nhiên, trên thực tế lại không như vậy, con số vốn hóa đổ vào Cardano thấp hơn rất nhiều. Điều khiến Cardano tăng trưởng mạnh thế đến là do 75% số Cardano đang lưu hành đã được Stake, điều này giúp áp lực bán ADA trên thị trường thấp, tạo động lực cho ADA tăng trưởng.

 

2. Liquidity Mining (Farming)

 

Đối với các DeFi token xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây. Người dùng có thể sử dụng chúng để cung cấp thanh khoản cho các giao thức DeFi, ngược lại họ sẽ được thưởng native token của dự án.

 

Ví dụ: Cung cấp thanh khoản cho Uniswap để nhận UNI, ...

 

3. Phí mạng lưới (Transaction fee)

 

Để thực hiện một giao dịch, người dùng cần phải trả phí cho mạng lưới, cụ thể hơn là các Validator để họ xác nhận giao dịch giúp mình. Mỗi mạng lưới blockchain sẽ có một native token riêng dùng để trả phí cho mạng lưới (thường là các dự án hoạt động trong lĩnh vực blockchain platform). Ví dụ:

 

Ethereum sử dụng ETH.

Binance Smart Chain sử dụng BNB.

Solana sử dụng SOL.

Polygon sử dụng MATIC.

 

4. Governance

 

Phần này mình đã đề cập phía trên, các nền tảng có thể được quản trị theo cơ chế Centralized hoặc Decentralized tùy vào nhà phát triển dự án. Tuy nhiên, đa số các nền tảng DeFi hiện tại đều được quản trị theo cơ chế Decentralized.

 

Điều này đồng nghĩa các token holder sẽ có thể đề xuất và biểu quyết để tạo nên những sự thay đổi cho nền tảng họ tham gia. Các đề xuất có thể liên quan đến phí giao dịch, tốc độ release token, hoặc những vấn đề lớn hơn như đề xuất cho đội ngũ phát triển dự án để mở rộng sang blockchain mới.

 

Hiện tại các nền tảng DeFi nổi bật như Uniswap, Sushiswap, Compound,... đều đã áp dụng cơ chế Decentralized Governance cho phép người dùng có thể tham gia quản trị. Tuy nhiên, phần lớn cộng đồng chỉ dừng lại ở quyền hạn Voting (Biểu quyết), chứ chưa thể tạo ra Proposal (Đề xuất) cho nền tảng, vì số lượng token cần để tạo Proposal thường có giá trị rất cao.

 

5. Quyền lợi khác (Launchpad,...)

 

Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp token được lưu thông và tạo động lực lớn để người dùng nắm giữ token. Các dự án Launchpad thông thường sẽ yêu cầu người dùng stake token để có thể tham gia vào các đợt mở bán. Hoặc được quyền lợi tham gia chương trình bốc thăm giải thưởng NFT,...

 

Ví dụ: Polkastarter yêu cầu hold POLS, DAO Maker yêu cầu hold DAOS,...

 

 

 

Case study về Tokenomics

 

Disclaimer: Đây là góc nhìn cá nhân và không được xem là lời khuyên đầu tư dưới mọi hình thức.

 

Lưu ý: Để đánh giá một dự án có tiềm năng tăng trưởng hay không, Tokenomics là một yếu tố quan trọng, tuy nhiên, giá của token cũng như tiềm năng của dự án còn được đánh giá thông qua nhiều yếu tố khác. Tokenomics không phải là yếu tố duy nhất tác động đến tiềm năng tăng trưởng của giá.

 

Phía dưới đây mình sẽ đề cập đến một số dự án có tokenomics hiệu quả và không hiệu quả để anh em có thể dễ dàng hình dung.

 

Tokenomics hiệu quả

 

1. Binance Coin (BNB)

 

Token Supply

 

Tổng cung ban đầu: 200,000,000 BNB.

Thời gian unlock: 5 năm (đã unlock 100%).

Kèm theo cơ chế burn cho tới khi Circulating Supply còn 100,000,000 BNB.

⇒ Giúp giảm phát, tạo động lực tăng giá và tạo động lực hold cho BNB holder.

 

Token Use Case

 

Tuy nhiên, đây không phải là nguyên nhân chính giúp BNB có sự tăng trưởng vượt trội trong thời gian vừa qua. Điểm sáng nhất đối với BNB chính là việc thiết kế token use cases cho phép BNB được ứng dụng triệt để ở sàn Binance và mạng lưới Binance Smart Chain.

 

Sàn Binance: Giảm phí giao dịch, Tham gia Launchpad, Staking, Thế chấp & Vay, Giao dịch phái sinh,...

Binance Smart Chain: Phí mạng lưới, Đơn vị tiền tệ chính, Staking, Farming (BNB được sử dụng như tài sản chính để tạo cặp thanh khoản, tương tự ETH ở hệ Ethereum và đây là nhân tố chính khiến buy demand của BNB tăng trưởng mạnh).

 

Hiện tại, Binance đang có kế hoạch phát triển Binance Pay, và BNB hoàn toàn có thể trở thành một đơn vị thanh toán phổ biến bất cứ lúc nào nếu như được Binance áp dụng thành công. Sự thành công của BNB đã được thể hiện qua biểu đồ tăng trưởng vượt bật trong năm nay.

 

Kết quả: BNB tăng trưởng trong khoảng giá tích lũy $20 lên đỉnh điểm khoảng $650 (+3,250%) và đang duy trì ở mức $500 (+2,500%).

 

 

Cơ chế đốt coin giảm nguồn cung của BNB.

 

2. Pancakeswap (CAKE)

 

CAKE là native token của nền tảng AMM DEX Pancakeswap trên hệ sinh thái Binance Smart Chain.

 

Token Supply

 

CAKE không có tổng cung (Không có số CAKE giới hạn).

530,000 CAKE được phân phối mỗi ngày thông qua Syrup Pool, Farming Pool và Lottery Pool.

CAKE sẽ được burn khi user sử dụng BẤT KỲ sản phẩm của Pancakeswap.

 

Token Use Case

 

CAKE được thiết kế để ứng dụng toàn diện trong các sản phẩm của Pancakeswap, bao gồm Syrup Pool (Staking), Staking để tham gia IFO, Phương tiện thanh toán trong Lottery và Prediction.

 

⇒ Mặc dù không có tổng cung nhưng Pancakeswap kiểm soát rất tốt cung lưu thông của CAKE, giúp kiểm soát cân bằng giữa Token Release và Token Burn. Pancakeswap đã rất khéo léo trong việc tăng ứng dụng của CAKE token trong nền tảng để tạo Buy Demand cho CAKE, cũng như duy trì Incentive cho CAKE holder. Chính vì thế CAKE đã có mức tăng trưởng rất mạnh kể từ khi được launch.

 

Kết quả: CAKE tăng trưởng từ $0.4 lên đỉnh điểm $40 (+10,000%) và đang duy trì ổn định ở mức $14 (+3,500%).

 

CAKE đưuọc ứng dụng triệt để cho tất cả sản phẩm trong Pancakeswap.

 

 

Tokenomics không hiệu quả

 

Pangolin (PNG)

 

PNG là token được sử dụng trong AMM DEX Pangolin của mạng lưới Avalanche. Mặc dù có chức năng tương tự CAKE trong AMM DEX như cung cấp thanh khoản cho sàn,... nhưng theo góc nhìn cá nhân của mình, Pangolin có tokenomics gặp rất nhiều vấn đề và không hoạt động hiệu quả.

 

Token Supply không hợp lý

 

Điều đầu tiên là PNG có tổng cung là 538,000,000 PNG, mỗi 4 năm số lượng PNG phân phối ra thị trường sẽ giảm đi 1 nửa. Đây là cơ chế tương tự Bitcoin, điều này khiến tổng thời gian để PNG được unlock lên đến 36 năm.

 

Tuy nhiên, Bitcoin là tài sản đã được cộng đồng tin tưởng, còn PNG lại là token rất mới, không điều gì có thể đảm bảo đội ngũ của Pangolin sẽ hoạt động để phát triển sản phẩm trong khoảng thời gian 36 năm đó, chưa kể tuổi đời của thị trường crypto chỉ vừa hơn 10 năm.

 

Không thể cân bằng giữa Revenue và Token Release Value

 

Điều thứ 2, ở thời điểm hiện tại Pangolin đang unlock 175,000 PNG/ngày (giá trị $197,500/ngày). Nhưng doanh thu của Pangolin chưa đến $30,000/ngày. Điều này khiến PNG holder không còn động lực hold token của dự án vì không nhận được những lợi ích xứng đáng.

 

Chính vì thế khi đầu tư vào một token, anh em cần phải có góc nhìn đa chiều. Bên phía dự án có thể “vẽ” ra nhiều viễn cảnh khi đạt được những thành tựu, nhưng anh em cần xác thực lại với số liệu thực tế. Liệu doanh thu của dự án đó có đạt được như kỳ vọng hay không?

 

⇒ Không hợp lý ở Token Release Schedule, không ứng dụng được PNG trong nền tảng Pangolin. “Viễn cảnh” của tokenomics không phù hợp với số liệu thực tế.

 

Kết quả: Sau khi đạt đỉnh ở giá $15, PNG đã tuột giá không phanh về mức giá hiện tại khoảng $1.2/PNG (chia 12 lần). Thậm chí khi thị trường tăng trưởng mạnh vào khoảng tháng 4 - 5/2021, giá PNG tăng trưởng rất yếu.

 

Trong tháng 9 này, các token của hệ Avalanche cũng đã tăng trưởng rất mạnh như AVAX, SNOB, XAVA,... nhưng PNG vẫn đi có mức tăng trưởng rất chậm. Mặc dù là AMM được backed bởi Avax Labs nhưng Pangolin cũng đã hụt hơi so với Trader Joe.

  

 

Tokenomics không hợp lý của Pangolin khiến người dùng không có động lực hold PNG.

 

Góc nhìn về Case Study

 

Như mình đã phân tích ở phía trên, cách thiết kế tokenomics sẽ không bị ràng buộc bởi bất kỳ yếu tố nào. Tùy nào mô hình hoạt động và thị trường mà dự án đó đang ngắm đến, đội ngũ sẽ có cách thiết kế tokenomics sao cho hợp lý.

 

Khi đánh giá về một tokenomics, anh em không chỉ phải đánh giá về ứng dụng của chúng mà còn phải phân tích thị trường mà dự án đó đang ngắm đến.

 

Liệu thị trường mà dự án đang ngắm đến có quy mô lớn không, có nhiều người dùng không, cách thiết kế tokenomics như thế có cân bằng giữa tính ứng dụng cho dự án và quyền lợi cho token holder không?

 

 

Ví dụ như Pancakeswap (CAKE), ngay từ đầu họ đã xác định thị trường hoạt động là hệ sinh thái Binance Smart Chain - hệ sinh thái có DeFi TVL lớn thứ 2 của thị trường và đã có một lượng người dùng lớn.

 

Chính vì thế họ sẽ thiết kế Tokenomics dành phần lớn cho Liquidity Mining Reward để thu hút được lượng lớn User ngay từ ban đầu. Sau đó, để tăng buy demand cho CAKE, đội ngũ Pancakeswap đã tăng tính ứng dụng cho CAKE trong tất cả các tính năng của Pancakeswap.

 

Tổng kết

 

Trong bài phía trên, mình đã phân tích cụ thể giúp anh em có thể hiểu được cấu tạo và vai trò của một tokenomics trong thị trường. Dưới đây là một số Recap quan trọng:

 

Tokenomics là tập hợp của nhiều yếu tố bên trong như Token Supply, Token Application, Token Sale, Token Release,...

Tokenomics là yếu tố quan trọng nhưng không thể tách rời với mô hình hoạt động để có thể đánh giá chính xác hiệu quả và mức độ tăng trưởng của token.

Tokenomics có thể được “biến tấu” với nhiều cách thiết kế khác nhau. Nhưng anh em hãy tập trung vào doanh thu của nền tảng và cách dự án capture value cho token (có thể tham khảo trong các bài Phân tích mô hình hoạt động).

 

Hi vọng với bài viết trên, anh em sẽ có những thông tin hữu ích để phục vụ quá trình đầu tư của bản thân.Tokenomics là gì? Tokenomics bao gồm những gì và đóng vai trò như thế nào trong việc quyết định đầu tư vào dự án?

 

Chúc anh em đầu tư thông minh!